Ngành gỗ đang đặt kì vọng vào việc kiểm soát dịch Covid-19 trên thế giới và việc Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, để khơi thông thương mại với các thị trường xuất khẩu truyền thống và đẩy mạnh xuất khẩu sang EU.
Xuất khẩu gỗ 6 tháng đầu năm 2020 giảm 2,7% so với cùng kì năm trước nhưng được kì vọng sẽ bật dậy vào những tháng cuối năm khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi. Ảnh: I.T.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành gỗ tuy ít chịu tác động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới giảm mạnh, cũng như việc giãn, hoãn giao hàng tại các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng, đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh so với cùng kỳ.
Theo thống kê của Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15,1%).
Ngoài ra, ngành gỗ đang đối diện với việc gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Tính trong cả giai đoạn 2007 – 2017 mới chỉ có 3 vụ việc với mặt hàng gỗ, tuy nhiên từ 2018 đến nay đã có 4 vụ với sản phẩm này.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng nhận định, trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt, xuất khẩu của ngành gỗ sẽ được khơi thông trở lại.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào các hiệp định thương mại như Hiệp định EVFTA được triển khai thực thi vào đầu tháng 8 tới sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên. Kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm.
Xuất khẩu gỗ được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhiều từ EVFTA với kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU sẽ đạt 1 tỷ USD ngay trong năm đầu tiên EVFTA được thực thi.
EVFTA khi được thông qua và có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ có thuế suất về 0 ngay (đồ gỗ hiện có thuế suất 2,7%-5,6%) hoặc về 0 trong vòng 5 năm (mặt hàng gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%). Nếu không có EVFTA với tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay, ngành gỗ Việt Nam dễ mất sức cạnh tranh do không còn được hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập GSP như Malaysia, Trung Quốc…
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA cũng kèm theo những thách thức mới về quy định xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật cao cho ngành gỗ Việt Nam. Mặt khác, có thể xuất hiện làn sóng dịch chuyển sản xuất, đơn hàng sang Việt Nam dẫn tới nguy cơ về gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, tăng nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ EU.
Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp ngành gỗ nên tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại của các nước xuất khẩu; chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu.
Ngoài ra, theo Bộ Công thương, doanh nghiệp ngành gỗ nên xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đây cũng là giải pháp lâu dài để ứng phó với các cuộc điều tra “chống lẩn tránh” đang ngày càng gia tăng hiện nay.
Theo: Huyền Trang / TheGioiTiepThi.vn